LÃO HÓA DA
ĐỘ TUỔI LÃO HÓA
Độ tuổi bắt đầu xuất hiện sự lão hóa không giống nhau ở tất cả mọi người. Nếu không được chăm sóc đúng cách, đặc biệt là tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời mà không có biện pháp bảo vệ thì da có thể bị lão hóa ngay từ năm 20 tuổi, nhưng những dấu hiệu này chưa bộc lộ rõ nên khó nhận biết.
Tuy nhiên theo thống kê thì lão hóa da thường bắt đầu xuất hiện ở lứa tuổi 30-35. Đây là thời kì mà các tế bào da bắt đầu kém phân chia, mô mỡ dưới da và các sợi đàn hồi cũng giảm đi khiến cho da bị mỏng, khô, dễ bị bầm, các cơ bị nhão, chảy xệ. Khả năng đề kháng của da dần suy yếu nên da dễ bị tác động bởi những thay đổi từ bên trong cơ thể cũng như những yếu tố môi trường. Đặc biệt đối với phụ nữ thì đây là độ tuổi bắt đầu có sự xáo trộn về nội tiết tố nên sẽ có ảnh hưởng trên làn da.
Chúng ta hãy cùng xem những thay đổi của làn da theo từng độ tuổi nhé.
- Trẻ em có làn da mềm mại, nhiều mao mạch, lớp thượng bì mỏng, sờ vào mịn như nhung. Tuy nhiên da cũng rất dễ bị tổn thương bởi các yếu tố bên ngoài.
- Bước vào giai đoạn thiếu niên và dậy thì, hormon giới tính được sản xuất và gia tăng nhanh chóng sẽ kích thích các tuyến bã nhờn hoạt động, tiết ra nhiều chất dầu khiến da bị nhờn. Và nếu làn da này không được vệ sinh sạch sẽ thì chất bã sẽ gây tắc nghẽn lỗ chân lông khiến mụn xuất hiện, thậm chí có thể để lại sẹo và các vết thâm. Khảo sát cho thấy trong số các trường hợp da bị mụn thì 40% rơi vào lứa tuổi từ 14-19
- Khoảng giữa 20-30 tuổi cũng chiếm đến 50% trường hợp mụn. Nhưng lợi thế ở lứa tuổi này đó là làn da rất khỏe mạnh, tính đàn hồi và mềm mại cao, việc tái tạo tế bào da diễn ra nhanh chóng (14-25 ngày) nên mụn cũng dễ dàng được loại bỏ nếu chăm sóc da đúng cách. Thông thường thì độ tuổi 20 là thời gian mà bạn gái sở hữu làn da đẹp nhất, rất mịn màng và căng tràn nhựa sống.
- Chẳng mấy chốc mà đời người chạm ngõ 30. Bạn vẫn có làn da sáng nhưng các dấu hiệu lão hóa đã bắt đầu hiển thị. Đó có thể là vết chân chim khi bạn cười hay vài nếp nhăn mỗi khi chau mày. Nguyên nhân là do lượng nội tiết tố estrogen bắt đầu suy giảm, sự mất nước của da ngày càng nhiều khiến biểu bì mỏng và khô hơn, cứ mỗi năm da lại mất đi 1% lượng collagen và các sợi đàn hồi, chu kỳ tái tạo tế bào mới cũng mất đến 30 ngày. Thêm vào đó là sự tích tụ ánh nắng mặt trời, tất cả các nhân tố trên khiến da bạn bắt đầu bước vào giai đoạn lão hóa.
- Thật thiếu sót nếu không đề cập đến những thay đổi ở làn da của phụ nữ mang thai. Khoảng 90% phụ nữ mang thai gặp phải hiện tượng tăng sắc tố do lượng melanin sản xuất quá dư thừa dẫn đến nám da, tàn nhang, các đốm nâu…Mụn trứng cá cũng có thể trở nên trầm trọng hơn trong thời gian thai kì. Nguyên nhân là do sự thay đổi đột ngột của cân bằng hormon trong cơ thể: ở người phụ nữ mang thai, lượng estrogen và progesteron tăng cao, sau khi sinh thì hormon trở về bình thường.
- Sang đến tuổi 40, quá trình lão hóa càng rõ ràng hơn và sự suy giảm nội tiết tố đóng vai trò rất lớn trong tiến trình này. Các nếp nhăn trở nên sâu hơn và xuất hiện cả các nếp nhăn ở quanh miệng, da bị chùng và lỏng lẻo, lỗ chân lông nở rộng, nhất là ở vùng mũi, quầng mắt cũng thấy rõ hơn. Các đốm nâu, vết nám xuất hiện do da bị tác động bởi ánh nắng. Da cũng khô hơn do sự sản sinh độ ẩm và các chất nhờn bị giảm sút. Tốc độ đổi mới tế bào chậm (40 ngày) khiến cho các tế bào sừng già cỗi trên bề mặt da không được thay thế nhanh chóng, độ kết dính của chúng cũng không còn nhiều nên dễ dàng bong tróc ra. Lớp liên kết giữa biểu bì và hạ bì bị dát mỏng làm mất đi sự nuôi dưỡng giữa 2 lớp này nên da trở nên yếu ớt.
- Từ 50 tuổi trở đi, các vết lốm đốm và nếp nhăn trên da càng nhiều, da bị xỉn màu, chu kì tái tạo da mất đến 50 ngày, hoạt động của tuyến bã nhờn giảm xuống đáng kể và sự mất nước xảy ra khiến da khô, yếu và trở nên nhạy cảm. Hoạt động của các cơ mặt cũng yếu dần khiến mắt sụp xuống, hình thành bọng mỡ dưới mắt. Tế bào Langerhans giảm sút khiến hệ thống miễn dịch của da yếu đi nên da dễ bị viêm, ngứa, phát ban, thâm tím, thậm chí là các tổn thương tiền ung thư da.
DS. Lê Thu Trang